KẾ HOẠCH Triển khai và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của trường Mầm Non II năm 2022
Cập nhật lúc : 09:31 19/07/2022
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG MẦM NON II
Số: 105/KH-MNII
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đông Ba, ngày 14 tháng 7 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
Triển khai và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
của trường Mầm Non II năm 2022
___________________________________
Thực hiện kế hoạch số 763/KH-PGDĐT ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế về kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế năm 2022, Trường Mầm Non II xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2022 cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo Công ước Quốc tế về trẻ em; Luật Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em. Tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, nhân cách và trí tuệ với môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh, thúc đẩy sự tham gia ý kiến của trẻ em về những vấn đề liên quan đến trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì và đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đúng thời gian quy định và được khám, chữa bệnh theo quy định của Pháp luật.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 5%.
- Duy trì tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi học CTGDMN đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
- Phấn đấu trên 80% học sinh được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.
- Phấn đấu đạt 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.
- Đảm bảo 98% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn.
- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách phúc lợi xã hội do Nhà nước quy định.
- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
- Phấn đấu trên 60% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi trẻ em dưới 5%; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì dưới 6%.
- Phấn đấu 100% trẻ em được giáo viên thường xuyên tổ chức hướng dẫn và rèn luyện các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em.
- 100% trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục khi có thông báo, được phát hiện, được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
- 100% CB-GV-NV được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện các chương trình kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của các ngành, địa phương để triển khai thực hiện nội dung về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của nhà trường và các tổ chức đoàn thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
2. Tiếp tục triển khai và thực hiện các nội dung theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2018 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
3. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình về giáo dục; tuyên truyền về quyền, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm công dân, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục nhà trường và kế hoạch giáo dục năm, tháng, tuần và hằng ngày phù hợp với từng độ tuổi. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho trẻ.
4. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, kế hoạch. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, Ban đại diện hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo để theo dõi, giám sát việc thực thi chế độ chính sách đối với nhóm trẻ em được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, đảm bảo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đủ điều kiện được hưởng các chính sách của Nhà nước quy định. Thực hiện đúng chế độ, chính sách ưu đãi giáo dục theo quy định của pháp luật đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.
6. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc vận động trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
7. Tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho trẻ em, nhất là trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt, cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Tết nguyên đán...
8. Tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em; kỹ năng xây dựng, tham mưu kế hoạch thực hiện và các hoạt động khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban giám hiệu
- Xây dựng kế hoạch và triển khai nội dung của Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2022 đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh.
- Phối hợp bộ phận kế toán đảm bảo kinh phí hỗ trợ hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Đảm bảo chế độ, chính sách đối với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật.
- Tiếp tục vận động, xây dựng quỹ bảo vệ trẻ em; tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào nguồn lực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Phối hợp với đoàn thanh niên và công đoàn tổ chức tốt các hoạt động có ý nghĩa với trẻ qua các ngày hội: Trung thu, têt thiếu nhi; Tết Nguyên Đán…
- Phân công Phó Hiệu trưởng báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD&ĐT (qua Bộ phận Phổ thông) trước ngày 10/11/2022 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
2. Bộ phận y tế
- Tăng cường công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, kiểm tra đôn đốc các hoạt động vệ sinh môi trường. Hoàn thành kịp thời đúng quy định công tác khám sức khỏe cho trẻ trong năm học.
- Phối hợp giám sát các hoạt động của công tác phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong đơn vị trường nhằm phát hiện và báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm về xâm hại trẻ em.
3. Các tổ chuyên môn
- Chỉ đạo các tổ chuyên môn tuyên truyền về quyền, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm công dân, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phù hợp với các độ tuổi. Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh.
- Nghiêm túc thực hiện các nội dung theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2018 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bao lực học đường.
- Thực hiện đúng chính sách quy định của pháp luật đối với học sinh là trẻ em khuyết tật.
3. Đối với phụ huynh học sinh
- Thường xuyên nhắc nhở, quản lý chặt chẽ con em mình khi trẻ ở nhà, quan tâm chăm sóc trẻ, bảo vệ trẻ, nắm bắt tâm lý trẻ và có biện pháp xử lý kịp thời khi trẻ có biểu hiện lạ, khác thường.
- Phối hợp chặt chẽ với nhà trường để chăm sóc giáo dục trẻ, rèn cho trẻ kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ; cam kết với nhà trường không để xảy ra bạo lực gia đình và ngược đãi trẻ.
- Làm tốt công tác giáo dục con em mình, nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế nhà trường; nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước, Luật trẻ em, Luật ATGT…
- Luôn là tấm gương tốt về đạo đức, lối sống trong gia đình để con em noi theo.
4. Các tổ chức đoàn thể, giáo viên
- Chủ động phối hợp với nhà trường tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ.
- Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao vui chơi lành mạnh, các trò chơi dân gian bổ ích cho trẻ nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.
- Phối hợp giám sát các hoạt động của công tác phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong đơn vị trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và can thiệp kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
- Tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho trẻ vào Chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục các độ tuổi.
Trên đây là kế hoạch triển khai và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của trường Mầm Non II năm 2022. Đề nghị các tổ chức đoàn thể, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và CMHS nghiêm túc thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, phát hiện những vấn đề mất an toàn cho trẻ kịp thời báo cáo Ban giám hiệu để được giải quyết./.
Nơi nhận: - Phòng GD&ĐT; (để báo cáo) - BCH Công đoàn;
- Bộ phận y tế - Tổ CM; - Chi đoàn TN; - CMHS; - Website đơn vị; - Lưu: VT |
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thị Diễm Hoa |
Bản quyền thuộc Trường mầm non II
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn2.tphue.thuathienhue.edu.vn/