In trang

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH TRONG TRƯỜNG MẦM NON NĂM HỌC 2022– 2023
Cập nhật lúc : 14:46 09/08/2022

PHÒNG GD&ĐT TP HUẾ            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG MẦM NON II                             Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

       
       

 

 Số: 119/KH-MNPC                                             Huế, ngày 06 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH TRONG TRƯỜNG MẦM NON

NĂM HỌC 2022– 2023

 

Thực hiện Công văn số 883/PGDĐT ngày 05/8/2022 của Phòng GD&ĐT thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong Ngành giáo dục thành phố, trường Mầm non II xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong nhà trường trong năm học 2022-2023 cụ thể như sau:

I. Mục đích:

Nhằm bảo đảm an toàn và phòng dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, không để dịch bệnh lây lan xảy ra trong trường học.

Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; phòng chống dịch nói chung và phòng, chống dịch sốt xuất huyết nói riêng, đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

II. Yêu cầu:

- Có Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe học sinh và phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong Ban Chỉ đạo trong phòng chống dịch nói chung và phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng. Ban chỉ đạo phân công cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu ban đầu.

- Trường lớp đảm bảo cảnh quang, môi trường vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.

- Các tủ kệ đựng đồ dùng đồ chơi của trẻ phải đảm bảo vệ sinh.

- Có đầy đủ dụng cụ y tế: thuốc hạ sốt, cặp nhiệt độ, que test covid, thuốc tiêu chảy, men tiêu hóa, oresol bù nước điện giải…

- Có phòng cách ly, giường nghỉ bệnh với đầy đủ trang thiết bị.

- Có thuốc khử khuẩn khi có dịch bệnh (CloraminB, vôi bột). Có đủ vim chùi nhà, nước khử khuẩn nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, gel diệt khuẩn, chai xịt côn trùng,..

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ trong khâu chế biến, tiếp phẩm và hợp đồng.

- Có phương án, kịch bản phòng chống dịch Covid-19 cụ thể phù hợp với tình hình của nhà trường theo phương châm “4 tại chỗ”.

- Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong nhà trường và địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

III. Nội dung, biện pháp:

1. Nội dung:

* Đối với dịch COVID-19:

- Tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + Vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”, đảm bảo vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

- Rà soát, bổ sung các phương án, kịch bản phòng chống dịch COVID-19 cụ thể phù hợp với tình hình của nhà trường theo phương châm “4 tại chỗ”.

- Tăng cường công tác truyền thông, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB-GV-NV) và trẻ em trên 5 tuổi tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của trung tâm Y tế thành phố. Phát huy tính chủ động, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tiêm vắc xin.

*. Đối với dịch sốt xuất huyết:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, có phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong Ban Chỉ đạo trong phòng chống dịch nói chung và phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng.

- Huy động sự tham gia của các tổ chức trong nhà trường với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

- Có kế hoạch triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy tại đơn vị.

- Tăng cường truyền thông trên các phương tiện và truyền thông trực tiếp các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, khuyến cáo CB-GV-NV và phụ huynh học sinh hiểu, chủ động thực hiện các nội dung sau:

+ Tổ chức vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, thu gom các vật phế thải, ngủ màn để tránh muỗi đốt…

+ Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, xuất huyết cần đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sốt xuất huyết, không tự điều trị tại nhà.

+ Bệnh sốt xuất huyết lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

- Cán bộ phụ trách công tác y tế trường học tham gia tập huấn theo Kế hoạch của Trung tâm Y tế Thành phố.

*. Đối với các dịch bệnh khác:

Tiếp tục duy trì công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch trong trường học (nếu có).

2. Biện pháp:

      - Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trong nhà trường, phát hiện kịp thời các cháu nghỉ học đồng loạt, triệu chứng của dịch bệnh.

      - Thông qua các khẩu hiệu, tranh ảnh, panô áp phích, tài liệu, các buổi họp, vào giờ đón trả, trẻ để tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh… Lồng ghép vào trong các hoạt động hằng ngày để giáo dục trẻ biết giữ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh,...

- Thường xuyên kiểm tra phát hiện để phát hiện sớm dịch bệnh và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Chú ý giờ đón trẻ để phát hiện các triệu chứng nếu trẻ bị bệnh.

       - Triển khai kế hoạch vệ sinh cảnh quang môi trường, lớp học.

       - Trường có lưu số điện thoại của trạm y tế phường, các cơ quan y tế khác khi cần và số điện thoại của cha mẹ các cháu để liên lạc. 

       - Có phòng cách ly cháu nhiễm dịch với các cháu khác. Phòng y tế đảm bảo có đầy đủ các dụng cụ y tế, nước sạch, có tủ thuốc và dụng cụ sơ cứu ban đầu.

       - Phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức tiệt trùng, khử khuẩn các đồ dùng đồ chơi, phòng ốc, khử khuẩn nước sinh hoạt, tẩy uế các khu vực ô nhiễm bằng dung dịch ChloraminB 25% hoặc các hóa chất sát khuẩn khác theo đúng quy định của y tế. Thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, côn trùng vào buổi chiều sau khi cháu ra về.     

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban Giám hiệu:

- Kiện toàn ban chỉ đạo phong chống dịch bệnh trong trường học, củng cố phòng y tế, có kế hoạch phân công cán bộ theo dõi tình hình dịch bệnh.

- Có kế hoạch kiểm tra, tự đánh giá các tiêu chuẩn trường học an toàn, không có dịch bệnh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện cho năm học mới.

- Triển khai kế hoạch phòng chống dịch trong đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

2. Nhân viên phụ trách y tế:

          - Được giao nhiệm vụ phụ trách công tác y tế của nhà trường, thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, xây dựng kế hoạch triển khai khi có dịch bệnh xảy ra, kịp thời báo cáo Ban giám hiệu khi có trẻ mắc bệnh và khả năng lây lan thành dịch. Tham gia kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh theo định kỳ và đột xuất. Tham mưu góp ý kiến cho nhà trường trong công tác phòng chống dịch.

3. Giáo viên:

- Phải nắm rõ các triệu chứng của bệnh để kịp thời phát hiện trẻ bị bệnh. Chú ý đến khâu đón trẻ vào buổi sáng, phát hiện kịp thời những cháu mắc bệnh để có hướng xử lý, không để lây lan trong trường học. Nếu phát hiện cháu mắc bệnh phải báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Trường hoặc nhân viên phụ trách y tế và tạm thời cho cháu nghỉ ở nhà để cách ly. 

- Thường xuyên trao đổi với phụ huynh để cùng nhau làm tốt công tác phòng chống dịch cho trẻ.

- Hàng tuần có kế hoạch vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ chơi ngoài trời, tổng vệ sinh trường lớp.

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lớp học đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nền nhà phải luôn được lau chùi khô ráo và sạch sẽ.

- Thường xuyên lau chùi, rửa đồ dùng đồ chơi bằng xà phòng và phơi nắng, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng vào buổi chiều sau khi cháu ra về.

       - Trong và ngoài lớp không có rác, các cửa sổ luôn được lau chùi sạch sẽ. Sàn nhà được lau chùi bằng các dung dịch khử khuẩn: xà phòng, vim hoặc sử dụng ChloraminB 25%, dung dịch Javel khi có dịch hay nghi ngờ dịch xảy ra.

- Tự giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, móng tay, móng chân phải cắt ngắn khi chăm sóc trẻ, khi cho trẻ ăn và khi cho trẻ đi vệ sinh; Cần lưu ý rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước sạch.

4. Trẻ:

       - Trẻ được hướng dẫn thói quen vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, khi tay bẩn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

       - Được giáo dục biết ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã được đun sôi, không ăn quà vặt.

       - Trẻ bị nhiễm bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế hoặc cách ly trẻ tại nhà, không đưa trẻ đến trường học.

5. Nhân viên khác:

- Thực hiện theo đúng yêu cầu về vệ sinh ATTP: Đồ dùng ăn uống của trẻ phải được rửa sạch, làm khô, tiệt trùng và bảo quản chu đáo. Các đồ dùng dụng cụ chế biến được trang bị đầy đủ đúng quy cách được vệ sinh và bảo quản sạch sẽ sau khi chế biến. Thức ăn đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc tươi sống, quy trình chế biến được sắp xếp theo nguyên tắc bếp ăn một chiều.

- Nhân viên cấp dưỡng phải tự giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cắt móng tay và giữ sạch móng tay, không đeo đồ trang sức, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khi chế biến thức ăn.

- Nhân viên lao công vệ sinh sân vườn và đồ chơi ngoài trời hằng ngày, được lau chùi thường xuyên. Nhà vệ sinh đảm bảo thông thoáng, không có mùi hôi, không ẩm thấp, không có nước đọng. Vườn rau không để um tùm rậm rạp làm nơi ẩn nấp cho vi khuẩn sinh sôi, không sử dụng phân bón hóa chất khi trồng rau.

6. Phụ huynh - cha mẹ các cháu:

- Phối kết hợp với nhà trường trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch.

- Thực hiện nghiêm túc yêu cầu của nhà trường: khi trẻ có triệu chứng của bệnh thì không đưa trẻ đến trường, không gửi thuốc cho cô, kịp thời có mặt ở trường khi giáo viên gọi điện thoại.

Trên đây là Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm học 2022-2023 của Trường Mầm non II. Yêu cầu các CBGVNV và phụ huynh phối hợp thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện có điều gì cần chỉnh sửa hoặc thay đổi sẽ tùy vào tình hình thực tế để có biện pháp phù hợp.

Nơi nhận:                                                                                          HIỆU TRƯỞNG                  

- CBGVNV của trường (để thực hiện);

- CMHS;

- Website;

- Lưu YT.

                                                                                     

 

 

                                                                              Nguyễn Thi Diễm Hoa